Ngày nay, người tiêu dùng ngày càng thông thái với mỗi lựa chọn của mình, trong đó đặc biệt chú trọng tới sức khoẻ cơ thể và sức khoẻ tâm hồn. Cà phê là một trong những món đồ uống phổ biến, cũng có thể là một phần khó thiếu trong đời sống (lifestyle) của nhiều người. Có lẽ cũng vì nhu cầu đó mà làn sóng cà phê thứ 3 mới có thể phát triển mạnh mẽ tới vậy, dẫn tới thay đổi toàn bộ cục diện ngành cà phê. Và vai trò "barista" ra đời.
1. BARISTA LÀ GÌ?
Theo từ điển Oxford thì Barista được định nghĩa là:
"a person whose job involves preparing and serving different types of coffee" "Một người mà công việc của họ làchuẩn bị và phục vụ những loại cà phê khác nhau"
Một cách đơn giản, có thể hiểu Barista là người pha chế cà phê - tạo nên các loại đồ uống khác nhau từ nền espresso. Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy, việc một barista "biết" pha cà phê chỉ giống như phần nổi của tảng băng. Để đào tạo một Barista "biết" pha cà phê thực chất chỉ cần 1-3 ngày; Nhưng để đào tạo một Barista "hiểu" cà phê thì cần 6 tháng - 2 năm cho cả quá trình học tập và trải nghiệm.
Biết pha cà phê chỉ giống như phần nổi của tảng băng
Trước khi tìm hiểu sâu hơn vào từng phần của sự nghiệp Barista, hãy cùng D'codeS khám phá xem công việc hàng ngày của một Barista nhé!
2. LÀM BARISTA LÀ LÀM GÌ?
Barista là người pha chế cà phê, vậy pha chế cà phê đương nhiên là công việc chính của mỗi barista. Tuy vậy, không chỉ dừng ở đó, để mọi hoạt động ở quán được diễn biến trơn tru, barista cần có những kỹ năng sau đây:
PHA CHẾ
Đương nhiên, đây là phần nhiệm vụ chính, cũng là kỹ năng cốt lõi của một barista. Nhưng đừng vội hiểu pha chế là pha nguyên liệu A và nguyên liệu B theo công thức nhé! Để pha chế tốt, barista cần có: Kiến thức, Kỹ thuật và Kỹ năng. Trong đó: + Kiến thức là những thông tin, dữ liệu có được thông qua giáo dục hoặc kinh nghiệm. Thường là những kiến thức nền tảng như “Seed to Cup”, nguyên lý chiết xuất, nguyên lý thử nếm – đánh giá chất lượng, nhân xanh và nguyên lý truyền nhiệt khi rang cà phê. + Kỹ thuật là việc ứng dụng kiến thức đó để mang lại giá trị thực tiễn. Ví dụ như từ nguyên lý khoa học của việc sục sữa / đánh sữa, sẽ có một số góc nhất định để chất lượng sữa thu được tốt và mịn nhất. Vậy, khi áp dụng kỹ thuật này, việc thực hành sẽ được đảm bảo qua mỗi lần + Kỹ năng là khả năng thực hiện các hành động cho ra kết quả mục tiêu nhất định. -- Đây là 3 yếu tố có tính ràng buộc và ảnh hưởng lẫn nhau: + Một Barista có thể có kiến thức và kỹ thuật nhưng không thực hành giống như người kỹ sư bàn giấy, dù hiểu nhưng chưa chắc đã pha được cà phê ngon. + Một barista có kỹ năng nhưng thiếu kiến thức và kỹ thuật thì chỉ biết pha một số loại cà phê nhất định mà sẽ bỡ ngỡ khi gặp loại cà phê khác. + Một barista có kỹ năng, kiến thức nhưng thiếu kỹ thuật sẽ không đạt được hiệu quả cao nhất khi làm việc.
KHẢ NĂNG TƯ DUY LOGIC
Tại sao Barista cần có khả năng tư duy logic? Bất cứ ai trong lúc gấp gáp đều cần có tư duy logic để giải quyết tuần tự các vấn đề một cách khoa học. Và ở vị trí Barista, hàng ngày họ phải đối mặt với cùng lúc các vấn đề: order đang xếp hàng chờ làm; nguyên vật liệu có thể đang sắp hết cần chuẩn bị thêm; khách cần được hỏi han chăn sóc ở quầy bar, cần phối hợp với bạn cùng ca để đẩy nhanh hiệu quả ... Vì vậy, khả năng tư duy logic để sắp xếp công việc khoa học là vô cùng quan trọng.
DỊCH VỤ KHÁCH HÀNG
Dịch vụ khách hàng là một phần không thể thiếu đối với ngành F&B nói chung và cà phê nói riêng. Dù trong đầu barista đang phải căn chỉnh công thức chiết xuất, tính toán sắp xếp làm order sao cho ra đồ hợp lý nhất, vẫn phải bao quát quán và nói chuyện với khách hàng. Dù mệt mỏi thì barista vẫn luôn phải duy trì nụ cười truyền năng lượng tích cực tới khách hàng.
HIỂU BIẾT VỀ NGUYÊN LIỆU
Barista cần có kiến thức về nguyên liệu, là điều chắc chắn. Khi nhận nguyên liệu, barista cần nắm rõ tiêu chuẩn về nguyên liệu trong quầy để từ đó có phản hồi kịp thời tới quản lý/ chủ quán hoặc đơn vị cung cấp nếu có sai sót.
TƯ DUY SẠCH SẼ
Hình ảnh sạch sẽ của quầy pha chế chính là bộ mặt của cả quán, cũng là ngôi nhà, là sân khấu của barista. Một quầy bar sạch sẽ tạo cảm hứng làm việc cho barista và chiếm được cái nhìn thiện cảm của khách hàng.
DUY TRÌ HÌNH ẢNH CÁ NHÂN
Với mô hình quầy bar hiện đại ngày nay thì việc giao tiếp giữa barista và khách hàng - sự minh bạch về quy trình làm việc, nguyên liệu sử dụng là rất quan trọng. Với mô hình này, barista là điểm nhấn trong quầy và đương nhiên vì vây, barista cần luôn duy trì hình ảnh cá nhân tươm tất chỉn chu.
3. HỌC BARISTA LÀ HỌC NHỮNG GÌ?
Với những gì barista cần làm như trên thì có thể thấy, đây không chỉ là người pha chế cà phê, mà còn phải là người bao quát vận hành quầy bar, thậm chí toàn quán. Nhiều người thường cho rằng học barista là học pha chế. Nhiều cá nhân/ đơn vị đào tạo barista cấp tốc chỉ trong 1 buổi. Nhưng thực chất là dạy sử dụng máy pha cà phê. Các chương trình cấp tốc thường bao gồm việc: Hướng dẫn công dụng các nút trên máy pha, hướng dẫn lắp tay chiết và chờ cà phê chảy ra… Việc đó giống như hớt vàng bề mặt mà không hề có nền tảng. Những kỹ năng đó sẽ giúp bạn kiếm được tiền trong 1-2 tháng. Còn với một barista có nền tảng vững chắc, nền tảng đó sẽ giúp bạn đi 2-3 năm, thậm chí lâu hơn trong nghề.
Mời các bạn tham khảo nội dung khoá học Barista tại Trường đào tạo cà phê D’codeS. Đây là tất cả những nội dung cần thiết cho một barista. Giáo trình này được kết hợp giữa kiến thức chuẩn quốc tế của SCA (Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới) và kinh nghiệm >10 năm trong nghề của tất cả các giảng viên, dưới những góc nhìn giác nhau.
Nội dung khoá học Barista Nâng cao tại D'codeS
4. AI CẦN HỌC BARISTA?
Đương nhiên, ai làm nghề barista thì cần học barista rồi. Tuy nhiên, thực tế hoạt động nghề cho thấy, không phải tất cả mọi barista đều cần học chuyên sâu về kỹ năng barista và hiểu biết hết tất cả những nội dung trên.
Thông thường, trong một quầy bar, các barista sẽ được phân cấp độ theo nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền lợi khác nhau. Mỗi quán cà phê đều có công thức pha chế và tiêu chuẩn riêng. Nhân sự barista không phải ai cũng có kiến thức chuyên sâu để hiểu về nguyên lý pha chế và lý do hình thành nên mỗi món đồ uống. Ngoài ra, việc “được phép tuỳ chỉnh” quá nhiều cũng thường gây rối loạn hoạt động quầy bar, rối loạn công thức sử dụng. Bởi vậy, trong khuôn khổ một quán cà phê, bạn chỉ cần có 2-3 vị trí học hiểu chuyên sâu về barista gồm có: chủ quán – quản lý quán/ quản lý cửa hàng – trưởng ca/ trưởng quầy.
Tại sao ư? Kinh doanh quán cà phê cũng là một mô hình kinh doanh và ngày càng đòi hỏi sự đầu tư chuyên môn cao không kém gì các mô hình kinh doanh khác. Và dù khách hàng đến với bạn vì lý do gì (không gian, vì tiện đường, vì nhạc hay…) thì sản phẩm mà bạn trực tiếp phục vụ và thu tiền từ khách hàng vẫn là đồ uống. Chất lượng đồ uống (phù hợp với khách hàng) cũng chính là điểm giữ chân khách quay lại, khiến họ yêu mến quán của bạn. Và việc hiểu tường tận từng đồ uống của quán mình chính là then chốt thành công buộc phải của mọi quán cà phê. Hiểu ở đây là: + Công thức này có phù hợp với khách hàng của bạn không? + Nguyên liệu này có tạo ra hương vị mà khách hàng mong chờ không? + Công thức chiết xuất này có dễ làm và chuẩn hoá thành quy trình được không? + Trang trí như vậy đã phù hợp với khách chưa? + Với lượng khách hàng dự kiến như thế này, liệu quy trình làm đồ và ra đồ có kịp đáp ứng không? Bởi vậy, nếu bạn là chủ quán và muốn mở quán cà phê thì xin đừng chủ quan cho rằng: Tôi có thể gửi nhân viên đi học, và học sẽ pha chế cho tôi, tôi chỉ cần quản lý thu chi là được. Càng là chủ càng cần hiểu rõ, hiểu sâu về mô hình kinh doanh và sản phẩm kinh doanh của mình.
Cũng vì lẽ đó, khó học Barista Nâng cao tại D’codeS tập trung đào tạo dành cho chủ quán và quản lý. Đối với barista cơ bản mới vào nghề, bạn chỉ cần được đào tạo lại 1-2 buổi. Thậm chí, tốt nhất là nên được đào tạo bởi chính quản lý của quán/ chủ quán – tập trung đào tạo làm đúng theo công thức.
5. NHỮNG YẾU TỐ ĐỂ TRỞ THÀNH BARISTA GIỎI
Để trở thành barista – người pha chế và vận hành quầy bar giỏi, bạn cần: 1. Kỹ năng Barista: Tập trung pha chế và vận hàng quẩy bar 2. Kỹ năng Extraction (Brewing): Kỹ năng chiết xuất cà phê – giúp bạn hiểu sâu về nguyên lý chiết xuất 3. Kỹ năng Sensory: Kỹ năng thử nếm, cảm nhận cà phê. Đây là kỹ năng mà bạn cần rèn luyện và trau dồi ngay từ đầu, cũng là kỹ năng nền tảng nhất – mở khoá cho mọi hoạt động khác của bạn trong ngành cà phê nói riêng – F&B nói chung.
*Video trên đây là Trần Bảo Linh - Barista tại quầy trải nghiệm cà phê D'codeS đang thực hiện một tách Latte Art hình Shiba. Linh đã xuất sắc dành được giải nhì trong cuộc thi Latte Art do Sanremo tổ chức năm 2022
KẾT LUẬN
Thế giới đang thay đổi không ngừng. Barista và Bartender ngày càng được nhìn nhận là một nghề đáng trân trọng. Nghề pha chế không còn bị coi là nghề chân tay nữa, mà nó cũng có những tri thức và tầm cao cần chinh phục. D’codeS luôn trân quý công việc phục vụ chân chính. Mỗi Barista cần trau dồi thêm kiến thức của mình, để từ đó nâng tầm nghề - ngành ngày một cao hơn. Từ đó, công việc barista sẽ ngày càng được trân trọng và sẽ càng có nhiều cơ hội mở rộng với barista Việt Nam.